Nhắc đến bộ phim điện ảnh mới nhất về thời đại của Việt Nam, thì không thể bỏ lỡ “Trạng Tí phiêu lưu ký” do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn. Đây là bộ phim lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh tuổi thơ Thần đồng đất Việt của họa sĩ Lê Linh. Bộ phim có sự góp mặt của diễn viên nhí năng nổ Hữu Khang trong vai Tí cùng các nghệ sĩ đình đám như: Trung Dân, Trung Anh, Phi Phụng, Quang Thắng, Hiếu Hiền, Lê Huỳnh, Oanh Kiều, Xuân Nghị, và Hoàng Phi. Bộ phim xoay quanh về cuộc hành trình của Tí cùng nhóm bạn thân Sửu, Dần, Mẹo đến chùa Phật Quang để tìm hiểu về gốc gác cha mình.
‘Trạng Tí phiêu lưu ký’ tung trailer mang đậm kỹ xảo
Teaser tập trung giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam. Trailer phim mang khán giả đến một thế giới kỳ ảo. Được nhà sản xuất xây dựng bằng kỹ xảo CGI. Trailer bắt đầu với những lời trêu chọc của bọn trẻ trong làng dành cho Tí vì sự tích lạ thường về sự ra đời của cậu, rằng bố cậu là ai? Với quyết tâm chừng minh cho mọi người thấy mẹ con Tí đã nói sự thật. Bộ tứ cùng nhau khăn gói lên đường tìm thầy Thích Thông Tuệ – người được dân làng tin rằng am hiểu hết mọi thứ trên đời.
Trên đường đi, nhóm bất ngờ bị bọn sơn tặc bắt giữ và ép buộc tham gia một thử thách mà có thể đánh đổi bằng cả tính mạng tại hang Thần Hổ. Bằng kỹ năng võ thuật phi thường, Tiểu Tị đã xuất hiện và đối mặt với bọn cướp để giải cứu nhóm. Trailer kết thúc bằng câu hỏi oái oăm của hai ông Thần giữ cổng. “Một kẻ dối lừa, một người chân thật, ngươi hỏi một câu, chọn chìa khoá sống”. Liệu với trí thông minh của mình. Tí có trả lời được câu hỏi và tiến gần hơn với sự thật mà mình đang tìm kiếm
Trạng Tí phiêu lưu ký hứa hẹn mang đến một trải nghiệm điện ảnh khó quên cho khán giả với những cảnh hành động máu lửa, cùng khung cảnh đẹp hút hồn tại một thế giới kỳ ảo được nhà sản xuất đầu tư công phu qua hình tượng Thần Hổ và hai ông Thần giữ cổng.
Những thay đổi “quá lố” so với nguyên tác
Đầu tiên, chúng ta cần xác định rõ Trạng Tí lấy cảm hứng từ Thần Đồng Đất Việt của tác giả Lê Linh. Nên việc sai khác so với nguyên tác là điều đương nhiên. Nhưng những sự thay đổi liều lĩnh đó lại con dao hai lưỡi. Mặt lợi là giúp ekip phim thoải mái sáng tạo theo ý của mình dựa trên một khung sườn có sẵn. Trạng Tí được tạo ra mang màu sắc hiện đại hơn. Hợp thời với thị hiếu khán giả ưa chuộng phim ảnh theo công thức quốc tế hiện nay.
Nhưng tiếc thay, lợi chưa thấy đâu mà chỉ thấy hại. Làng Phan Thị đẹp ở bên ngoài mà nông ở bên trong. Đẹp là nhờ lựa chọn bối cảnh theo chiều hướng du lịch. Thiết kế bối cảnh tạm ổn để khán giả hình dung về làng quê Việt. Đầu tư quay phim đẹp ở từng khung hình trên dưới trái phải. Độ phủ sóng của flycam cứ gọi là “thẳng cánh cò bay”.
Nhưng làng quê đẹp để làm chi khi ở đây chứa đựng toàn những tâm hồn xấu xí? Người dân Phan Thị chẳng chút yêu thương nhau. Đẳng cấp giàu nghèo phân chia rõ rệt cũng là chuyện thường tình trong xã hội phong kiến. Nhưng cùng phận nghèo với nhau mà lại luôn xúm lại kỳ thị hai mẹ con Tí. Dù biết “không chồng mà chữa” thời xưa xứng đáng để “cạo đầu bôi vôi”. Nhưng ít nhất theo lời mẹ Tí, vẫn có người này người kia. Vấn đề là nhà làm phim chẳng để cho khán giả thấy người tốt nào ở làng Phan Thị cả.
Nhân vật được cải biên với chất lượng không đồng đều
Tuyến nhân vật quan trọng Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Mùi, Tị được cải biên với chất lượng không đồng đều. Nhân vật trung tâm là cậu bé Tí khó thuyết phục khán giả về độ thông minh. Qua những tình huống như đổ nước ruộng vào lòng giếng để lấy bóng bưởi, gián tiếp khiến bà Tám Tiền bị cả làng tát cho sưng mặt. Những tích truyện dân gian được chọn để cài cắm trong phim chưa đủ khiến khán giả cảm thấy “đã đời”. Vì chúng rất điển hình, quen thuộc đến nhàm chán. Không mang tính thách đố khiến người xem dễ dàng đoán trước kết quả.
Diễn viên nhí Hữu Khang trong vai Trạng Tí so với các bạn diễn khác là người may mắn có nhiều “đất diễn” hơn. Nhưng lại có phần thể hiện “lép vế” hơn nếu đặt bên cạnh Dần, Mẹo, Mùi. Biểu cảm gương mặt và khả năng diễn xuất của em chưa thật sự tốt. Khiến cho nhiều phân đoạn thấy như em đang “trả bài” hơn là nhập tâm vào nhân vật.
Yếu tố kỳ ảo lớn nhất của phim nằm ở sự xuất hiện của Thần Hổ và hai vị thần Hộ Pháp Sinh – Tử. Cùng là nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Nếu so sánh với Tấm Cám – Chuyện chưa kể cũng mang tính thần tạo ra chất phiêu lưu kỳ ảo dựa trên CGI. Trạng Tí đã có bước tiến bộ. Nhưng CGI cấp độ này quả thật vẫn còn lạc hậu so với bạn bè quốc tế.
Những điểm sáng cần ghi nhận
Có nỗ lực trong việc xây dựng kịch bản
Tuy phim còn nhiều điểm chưa tốt. Nhưng Rạp Chiếu Phim vẫn ghi nhận Trạng Tí có nỗ lực trong việc xây dựng kịch bản phim. Sự thành công này phần lớn nhờ vào sự tiếp thu công thức có sẵn mà bạn sẽ nhìn ra ngay. Nếu là fan của dòng phim hoạt hình Disney hoặc phim siêu anh hùng Marvel.
Tí mang tâm thế của một hình mẫu nhân vật “zero to hero”. Mới nhìn, cứ tưởng Tí có trí thông minh trời phú là có tất cả. Nhưng không, cậu bé chật vật với tâm hồn thơ dại bị thử thách bởi “lời ong tiếng ve” từ “cái lồng” của định kiến xã hội. Cậu cũng có những giây phút nhỏ nhen, ghen tị, chưa nhìn ra tâm hồn thánh thiện của bạn bè.
Cậu cũng có một hành trình đầy gian nan để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Cha mình là ai”. Nhưng đến cuối không đạt được mục đích đó mà lại thu về bài học khác. Cậu chỉ trở thành một “hero” đích thực khi có một trái tim nhân hậu biết lắng nghe và yêu thương. Nhưng đáng tiếc, bài học quan trọng ấy không tạo ra cảm giác “vỡ òa” cho người xem. Vì những lời thoại lặp lại đã trải dài xuyên suốt qua “cửa miệng” của nhiều nhân vật phụ.
Sự dễ thương của diễn viên nhí, bộ phim đúng nghĩa dành cho trẻ con
Sự dễ thương của Dần béo qua câu chuyện làm mất gà của mẹ. Sự tinh ranh của Mẹo cùng sự “mít ướt bánh bèo” của Sửu đều khiến cho phim trở nên dễ mến hơn. Diễn xuất của các bé này tốt đến ngỡ ngàng. Từ ngoại hình đến tính cách của nhân vật đều được các bé nhập tâm xuất thần. Nhiều người lớn “tay ngang” đóng phim Việt phải học hỏi thái độ làm việc chuyên nghiệp này từ các diễn viên nhí.
Từ một Tiểu Tị hiền lành, dễ bị bắt nạt như trong nguyên tác. Tiểu Tị trong Trạng Tí võ nghệ cao cường, xả thân vì nghĩa. Nhân vật Mùi mang thông điệp nữ quyền với cú twist siêu bất ngờ. Phản diện chính cũng hội tụ đủ chiều sâu và tính gây cười. Khán giả vừa cảm thấy đáng ghét mà lại vẫn đáng thương. Những bài học về lòng tốt với người xa lạ. Thái độ cởi mở với người yếu thế và bài học về cách yêu thương người khác… đều được phim truyền tải rõ ràng. Phù hợp với khán giả trẻ em nhưng với khán giả người lớn thì hơi “lộ bài” quá sớm.
Phân đoạn hoạt họa đầu phim khiến cho Trạng Tí trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ em. Rạp Chiếu Phim nhận thấy đã lâu rồi điện ảnh Việt chưa có một bộ phim đúng nghĩa dành cho trẻ con. Trạng Tí trở thành lựa chọn an toàn cho phụ huynh dẫn trẻ đi xem tại rạp thời điểm này. Tuy phim có vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn là tác phẩm chắp vá từ nhiều ý tưởng ngoại lai và chưa đủ xuất sắc trở thành phim đột phá.
More Stories
Hoa hậu Mai Phương Thúy gây thiện cảm với việc đi làm tình nguyện
Bố mẹ ruột của Hồ Văn Cường mong con trai có thể tập trung vào ôn thi
Kendall Jenner và bạn trai Devin Booker kỷ niệm một năm yêu nhau